Đặc sản Lào Cai ở Lào Cai - TripHunter

Đặc sản Lào Cai

Tổng quan

Giới thiệu về Đặc sản Lào Cai

Gạo Séng Cù
Gạo Séng Cù có vị thơm ngon, dẻo, hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Đây là đặc sản nổi tiếng của Mường Khương. Vào giai đoạn lúa non, gạo được các tư thương vào tận nhà dân đặt mua vì gạo trong lúc này là ngon nhất, cung không bao giờ đủ cầu.
Tương ớt Mường Khương
Tương ớt Mường Khương được làm từ loại ớt chín đỏ, quả nhỏ (người dân hay gọi là ớt thóc) có hương thơm đặc trưng và vị cay đậm đà. Khi ăn thắng cố mà thiếu chén tương ớt Mường Khương chấm cùng thì bữa ăn thật mất vị.
Mận hậu Bắc Hà
Mùa mận: tháng 5 - tháng 7.
Khác với mận Lạng Sơn khi chín quả mới đỏ, mận hậu Bắc Hà chỉ hơi ngả sang màu vàng nhạt. Không chỉ là thứ quả ngọt ngon, mận còn có tác dụng bồi bổ sức khỏe. 
Rượu ngô Bắc Hà
Rượu được nấu bằng loại ngô gieo trồng trên núi đá, có hương thơm đặc trưng và nồng độ trên 40 độ. Đến Bắc Hà đâu đâu du khách cũng bắt gặp các hàng quán bán rượu nhưng nổi tiếng nhất là rượu Bản Phố, nằm dưới chân núi Cô Tiên.
Rượu thóc Nậm Pung
Rượu có nồng độ từ 47 độ đến 50 độ. Vị êm, thơm ngon, dễ uống chứ không nồng, không đắng như một số loại rượu khác trong tỉnh.
Cuốn sủi
Cuốn sủi còn được gọi với cái tên phở khan là một trong những đặc sản nổi tiếng của Lào Cai. Bát cuốn sủi gồm những sợi bánh phở trắng mềm cùng thịt bò, chút mì bằng củ dong rang giòn, hạt tiêu, lạc, rau thơm và vài lát ớt kèm gia vị được nấu sền sệt thành một thứ nước sốt có hương vị riêng.
Thịt lợn cắp nách
Thịt lợn cắp nách là đặc sản chỉ có ở vùng cao. Đây là giống lợn thuần chủng, nuôi theo hình thức thả rông và không sử dụng bất kỳ thức ăn công nghiệp nào. Chính vì thế thịt lợn cắp nách rất săn chắc, thơm, nhiều nạc và đảm bảo chất lượng. Sở dĩ có tên gọi “lợn cắp nách” là vì những con lợn này rất nhỏ, khi trưởng thành cũng chỉ có 4-5kg nên kẻ bán người mua chỉ cẩn cắp nách đi là xong. Có nhiều cách chế biến lợn cắp nách thành đặc sản như tiết canh, luộc, hấp, nướng, hun khói, xào… Đặc biệt, thịt lợn cắp nách tẩm ướp gia vị rồi nướng hoặc quay nhâm nhi với rượu táo mèo là ngon nhất.
Phở chua
Một bát phở chua gồm có bánh phở, thịt lợn xá xíu, rau sống, lạc và nguyên liệu không thể thiếu quyết định độ ngon của món ăn - nước chua. Theo cách chế biến truyền thống, nước chua được làm từ việc ngâm, trộn rau cải với nước đường sau đó lọc được nước chua. 
Món phở chua sẽ hơi nhạt so với khẩu vị chung của mọi người nên bạn có thể thêm tí muối. Phở chua phải ăn lạnh mới ngon nên rất thích hợp ăn vào mùa hè. 
Thắng cố 
Nồi thắng cố gồm có thịt ngựa, lòng, tim, gan, tiết ngựa và 12 thứ gia vị thảo quả và nhiều gia vị gia truyền. Trong đó, cây thắng cố là gia vị thứ 12. Món thắng cố được chế biến khá đơn giản. Thịt và nội tạng ngựa được rửa sạch, ướp gia vị. Người nấu dùng một cái chảo lớn cho tất cả nguyên liệu vào xào cho đến khi miếng thịt se lại thì đổ nước vào ninh hàng tiếng đồng hồ trên bếp than hồng rực. Các bộ phận như lòng, tim, gan, tiết, thịt, xương được cho vào sau cùng và đun nhừ, có thể cho thêm các loại rau.
Khi ăn, người ta sẽ múc nước dùng ra nồi lẩu, thái thịt ngựa bỏ vào, ăn kèm với tương ớt Mường Khương và các loại rau như cải mèo, ngồng su hào, cải lẩu… Nếu thực khách được uống chút rượu ngô Bắc Hà khi ăn thắng cố thì không còn gì bằng.
Nem măng đắng
Phần nhân của món nem măng đắng được làm từ thịt gà băm nhỏ cùng với củ kiệu, lá hẹ, hạt tiêu và nước mắm, sau đó được gói trong lá măng đắng và rán vàng. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận vị đăng đắng của măng cùng vị ngọt của thịt gà tơ.
Quả tỳ bà
Sở dĩ loại quả này có tên gọi như vậy bởi cây của nó có hình dạng giống đàn tỳ bà. Nó còn được gọi với những tên khác như nhót Nhật, nhót Tây hay lô quất. Được trồng trong vườn nhà của người dân đồng bào vùng cao Lào Cai, quả tỳ bà có mùi thơm mát, vị ngọt chua. Thứ quả này còn có công dụng chữa được viêm họng và phòng cảm cúm rất tốt trong mùa lạnh.
Thịt lợn muối
Đây là món ăn dân dã của người dân vùng cao Lào Cai. Thịt lợn muối có vị chua hòa lẫn vị mặn của muối, miếng thịt giòn và rắn chắc. Món này có thể rang hay nướng tùy theo khẩu vị của từng người.
Rượu San Lùng
Rượu San Lùng là thứ rượu đặc sản của người Dao Đỏ xuất phát từ bản San Lùng. Rượu có màu trong suốt, mùi thơm đặc trưng, vị đậm đà. Khi uống có cảm giác lâng lâng, sảng khoái mà không bao giờ bị đau đầu.
Rượu có đủ các vị thảo dược của núi rừng như vị phòng chống lạnh, trừ cảm, lưu thông khí huyết, giảm đau nhức khớp, đau đầu...
Nấm chân chim
Nấm chân chim có thể đem xào hoặc nấu canh với thịt đều rất ngon và bổ dưỡng. Ngoài công dụng làm thực phẩm, nấm chân chim còn được liệt vào loại dược liệu quý chữa bệnh cho con người.
Xôi ngũ sắc 
Đây là món ăn truyền thống của dân tộc Tày, được nấu trong các dịp lễ Tết hoặc khi nhà có khách quý. Xôi gồm 5 màu chính: trắng của gạo; đỏ của quả gấc; vàng của nghệ; xanh của vỏ bưởi, lá rừng; tím của lá cơm đen hoặc lá cây sau. Các màu tượng trưng cho ngũ hành: trắng là kim, xanh là mộc, tím (thay cho đen) là thủy, đỏ là hỏa và vàng là thổ. Xôi được chế biến theo 2 cách: đồ từng màu xôi hoặc đồ các màu chung với nhau tạo nên màu sơn thủy. Màu xôi càng đẹp thì người Tày tin rằng cả năm sẽ làm ăn càng phát đạt, thịnh vượng.
Du khách có thể thưởng thức xôi ngũ sắc ở phố Cầu Mây và chợ Sa Pa.
Gà đen nướng mật ong
Gà đen hay còn gọi là gà ác có thân hình rất nhỏ, mỗi con chỉ tầm 1,2kg và có màu đen giống như tên gọi của nó, được biết đến là một món ăn đặc biệt cũng như có nhiều công dụng trong lĩnh vực y học. Thịt gà săn chắc, thơm, dai, giòn và ngon, có thể chế biến ra nhiều món ngon như rán, xào, hấp, luộc. Song món ngon nhất phải kể đến là gà đen nướng mật ong rừng.
Món ăn có thật sự ngon miệng hay không tùy thuộc vào khâu tẩm mật ong vào gà và khâu nướng điều chỉnh thời gian thật hợp lý. Thịt nướng ra lò nóng hổi, thơm lừng, ăn kèm với một chút lá bạc hà the the, chấm với ít muối tiêu chanh chua chua mặn mặn.
Cơm lam
Là món cơm rất ngon, cơm lam được làm từ gạo nếp nương, vừa thơm vừa dẻo. Ngoài gạo, ống trúc hoặc ống nứa là thành phần không thể thiếu khi nấu cơm lam. Gạo được ngâm trước 2 tiếng, sau đó cho vào ống khoảng 3 phần nếp, 2 phần nước lạnh và thêm một chút muối để cơm đậm đà hơn. Cuối cùng đậy kín miệng ống bằng lá chuối đã hơ se và đặt trên bếp lửa.
Khi nướng, người nấu phải canh lửa thật đều và liên tục trở ống để cơm chín đều. Khi ăn, cắt ống cơm lam từng khúc nhỏ, chấm muối vừng (muối mè) hoặc ăn kèm với món thịt rừng nướng.
Cá hồi Sa Pa
Loại cá hồi được nuôi tại Sa Pa chủ yếu là cá hồi Vân, hay còn gọi là cá hồi Ráng có xuất xứ từ châu  u, được nuôi ở khu Thác Bạc. Đây là một đặc sản vừa ngon vừa bổ dưỡng. Cá có vị ngon đậm đà, thịt săn chắc có màu hồng đẹp, không có chút mỡ, chế biến được nhiều món ngon như gỏi, cháo, nướng, hấp, hun khói, salad rau xanh ăn kèm cá hồi tẩm sốt cam và tiêu xanh, cá hồi nhồi dưa chuột và đặc biệt là lẩu cá hồi. Một nồi lẩu cá hổi nóng hổi với nước dùng ninh bằng xương cá nên rất ngọt kèm theo các loại củ, dứa chín thái miếng, cà chua, sốt lẩu chua cay, nhúng kèm với rau cải mèo, rau su su. Nếu đến Sa Pa du lịch, bạn đừng bỏ lỡ món ăn hấp dẫn này nhé. Một nồi lẩu cá hồi khoảng 500.000 – 600.000đ (3 - 4 người ăn).
Cá tầm Sa Pa
Đây là loại cá xương sụn, da dày, thịt cá chắc, không mỡ. Một trong những món ăn được chế biến từ cá tầm rất nổi tiếng là lẩu cá tầm, ăm kèm với rau rừng, ngô chiên giòn hoặc khoai hấp, nướng.
Trứng nướng
Trứng nướng có hương vị thơm bùi của lòng đỏ, lòng trắng giòn giòn, ăn vào cảm giác ngon và lạ miệng. Mỗi mẻ trứng có thể đặt được chục quả trứng lên vỉ sắt trên bếp than hồng, đảo trứng qua lại, tới khi chín sẽ để ngoài rìa bếp để giảm nhiệt độ. Trứng nướng được ăn kèm với muối tiêu chanh, rau răm và gừng thái sợi.
Rau cải mèo Sa Pa
Cải mèo Sa Pa thuộc họ rau có bẹ, lá dài màu xanh sậm, viền lá khuyết nhọn, có hình dáng giống như cải bẹ xanh, cải ngọt ở miền xuôi. Đây là một loại rau sạch, mọc hoang và sống được nhiều nơi, trên mọi loại đất vùng núi. Cải có vị ngon và đặc biệt giòn nên phong phú về cách chế biến từ xào, nấu, luộc hoặc dùng để ăn lẩu. Món canh này rất tốt cho những ngày đông hoặc để giải rượu.
Rau su su
Su su là một loại rau được trồng nhiều ở Sa Pa, ngon có tiếng trên cả nước với vị ngọt, bùi bùi và giòn hơn ở những nơi khác. Ngọn su su được chế biến thành các món ăn ngon như ngọn su su xào tỏi, xào với thịt hun khói, làm lẩu, nộm; quả su su thì nấu canh, luộc,... Còn đối với quả su su thì không cần gọt vỏ, chỉ cần rửa sạch, cắt thành miếng vừa ăn, luộc chín, chấm muối vừng thì mới cảm nhận hết vị ngon của nó.
Nấm hương Sa Pa
Nấm hương Sa Pa về hình thức cũng giống như các loại nấm hương khác nhưng có vị giòn và giữ được mùi thơm tự nhiên khi xào nấu. Nấm hương có nhiều chất dinh dưỡng, chữa được nhiều bệnh.
Nấm hương tươi có thể chế biến được rất nhiều món ngon như canh gà hầm nấm, gà xào hành nấm, súp nấm, bò xào nấm,… Nấm hương khô có thể bảo quản được lâu, thích hợp cho du khách mua về làm quà. Nấm khô Sa Pa cánh mỏng, màu sáng chứ không sẫm như nấm trồng, mang mùi hương thơm tự nhiên, dịu nhẹ.
Hạt dẻ rừng (hạt hạnh nhân)
Hạt dẻ có hàm lượng dinh dưỡng rất phong phú, tốt cho sức khỏe. Đến Sa Pa, bạn sẽ được thưởng thức hai món ăn nổi tiếng làm từ hạt dẻ là hạt dẻ nướng và hạt dẻ rang bơ.
Nem măng đắng
Măng đắng là món ăn phổ biến của người dân tộc vùng Tây Bắc, có thể biến thành nhiều món ngon như luộc, xào, nấu canh,… trong đó ấn tượng với nhiều du khách nhất là món nem măng đắng. Người ta lấy vỏ măng đắng làm chiếc bánh đa nem, nhân măng trộn với thịt gà làm phần nhân nem, sau đó cuốn lại đem rán vàng. Khi ăn, thực khách sẽ cảm nhận vị đăng đắng của măng, vị ngọt của thịt gà tơ, độ dẻo của vỏ nem cộng với cảm giác sậm sựt của nhân nem trong miệng rất thú vị.
Đào Sa Pa
Đào to, căng tròn, được bao phủ một lớp lông mỏng màu cẩm thạch, pha lẫn những vết màu huyết dụ lấm chấm đen. Đào có vị chua thanh, chát chát, ngòn ngọt, mùi thơm đặc trưng của núi rừng Tây Bắc. Du khách có thể bắt gặp nhiều nơi bán đào tại Sa Pa và nên mua rọ đựng đào chứ không dùng túi giấy hay bọc ni-lông vì quả đào sẽ bị dập nát, vỏ xám xịt khi được vận chuyển về tới nhà.
Mắc cọp
Mắc cọp hay còn được gọi là lê Sa Pa là một loại quả nhỏ, vỏ xù xì, khi ăn có vị chua nhẹ, thanh mát. Mùa ra quả của mắc cọp là vào tháng 9, giá tầm 20.000đ/kg.
Táo mèo
Hiện nay, rừng Sa Pa không còn nhiều loại táo mèo, chủ yếu mọc ở dãy Hoàng Liên Sơn. Táo mèo có kích thước nhỏ, màu hồng phấn hoặc vàng trong, mùi rất thơm và ăn có vị chua chua chát chát. Đây là loại quả rất tốt cho sức khỏe, chữa được nhiều bệnh. Người ta thường mua táo mèo về ngâm rượu, để dành sử dụng.
Rượu táo mèo
Đây là loại rượu dân dã nhưng độc đáo, được nhiều người ưa thích vì không những có mùi vị đặc trưng, mà còn có tác dụng an thần. Rượu có màu nâu sóng sánh, mới uống có cảm giác như nước có ga nhưng càng về sau càng ngất ngây với men say của rượu. Người ta bổ đôi quả táo, bỏ sâu bên trong (không bỏ hạt vì hạt có tác dụng làm thuốc), rồi ngâm qua nước cho đỡ chát, phơi ra mẹt cho se mặt. Sau đó ngâm táo với đường trong 2 tuần rồi chắt nước cốt ra, đổ rượu và ngâm tiếp, sau 2 tuần nữa là dùng được. Những bình rượu được ủ từ quả táo mèo có vị chua ngọt và chát đắng, mang hương vị rất đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.
Thuốc Nam, thuốc Bắc
Đây là các gói thuốc được làm từ những loại thảo mộc khô, rất tốt cho sức khỏe, chữa được nhiều loại bệnh như mất ngủ, gan, thận, tiểu đường,...

=====

Hình ảnh: TripHunter, Internet, Lam Linh, Tam Tam

Đánh giá
0
Đăng nhập để đánh giá và bình luận
Tuyệt vời
0%
Rất tốt
0%
Trung bình
0%
Xấu
0%
Rất tệ
0%
Đăng nhập để đánh giá và bình luận

Thông tin

Đang cập nhật giờ đóng mở cửa

Những địa điểm lân cận

Các khách sạn lân cận

Các nhà hàng lân cận

Các hoạt động giải trí lân cận